Người thắp ngọn lửa đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp và khơi nguồn khát vọng khởi nghiệp

Nguyễn Thái

CEO Phan Thành Dũng nhận giải nhất Nhân tài đất việt 2023.

Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ trên toàn cầu, giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu cấp bách về đổi mới. Không chỉ nắm bắt xu thế, ông Phan Thành Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Tự động hóa DKS (DKS) – còn là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ Việt để nâng tầm lĩnh vực đào tạo nghề.

Tiên phong số hóa giáo dục nghề nghiệp

Xuất phát từ thực tế nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu thốn thiết bị thực hành, ông Phan Thành Dũng và đội ngũ DKS đã phát triển nền tảng DKS-SINOVA – phần mềm mô phỏng thiết bị công nghiệp trong môi trường ảo. Giải pháp này giúp học viên thực hành trên các mô hình tiêu chuẩn ngay trên máy tính, tiết kiệm chi phí đầu tư và đồng thời nâng cao hiệu quả học tập.

Với tính ứng dụng cao, DKS-SINOVA đã nhanh chóng được nhiều trường nghề lớn như Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh áp dụng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. Sản phẩm cũng liên tiếp gặt hái những giải thưởng uy tín như Giải Nhất lĩnh vực Công nghệ số tại Nhân tài Đất Việt 2023 và lọt Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2022.

Không dừng lại ở thị trường nội địa, ông Dũng và DKS đang đẩy mạnh chiến lược đưa DKS-SINOVA ra khu vực Đông Nam Á, với tham vọng đưa trí tuệ công nghệ Việt vươn tầm quốc tế. Ông cũng tiết lộ kế hoạch tích hợp các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR) để cá nhân hóa trải nghiệm học tập và đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng của người học.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Không chỉ dừng lại ở vai trò nhà sáng tạo công nghệ, CEO Phan Thành Dũng còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ trên hành trình khởi nghiệp. Theo ông, thành công không nhất thiết bắt nguồn từ những ý tưởng vĩ đại, mà có thể từ việc giải quyết những nhu cầu nhỏ nhưng thực tế trong đời sống xã hội.

Kỹ sư, GĐ Phan Thành Dũng tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt- 2023.

“Cơ hội không tự tìm đến với ai. Chỉ khi kiên trì sáng tạo và dám hành động, chúng ta mới tạo ra cơ hội cho chính mình,” ông Dũng chia sẻ. Ông khuyến khích giới trẻ mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới để đổi mới các lĩnh vực truyền thống như giáo dục, y tế, sản xuất, mở ra những cơ hội mới trong kỷ nguyên số.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt xu thế AI, VR, AR – những công nghệ được dự báo sẽ dẫn đầu các xu hướng đổi mới sáng tạo trong tương lai.

Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp: Bệ phóng cho thế hệ trẻ

Chia sẻ về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, CEO Phan Thành Dũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tiêu biểu như Đề án 844 nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.

Lớp học số với nền tảng DKS-SINOVA tại trường CĐ Cơ điện Hà Nội.

Theo ông, những chính sách này đã tạo tiền đề vững chắc cho các bạn trẻ dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Thống kê cho thấy, đến nay, tất cả các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp cùng 63 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đều đã xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, với hơn 42.000 dự án được học sinh, sinh viên phát triển.

“Những hỗ trợ tài chính, đào tạo, kết nối thị trường và xây dựng mạng lưới khởi nghiệp đã giúp nhiều startup vượt qua giai đoạn đầu đầy thử thách,” ông Dũng nhận xét.

Với khát vọng sáng tạo không ngừng và những thành quả đã đạt được, CEO Phan Thành Dũng không chỉ khẳng định vị thế của công nghệ Việt trên bản đồ giáo dục nghề nghiệp mà còn thắp sáng ngọn lửa đam mê, tinh thần khởi nghiệp trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam.