Chiều tối 25-2, thông tin từ Công an thị xã Thái Hòa, Nghệ An cho biết khoảng 10h sáng cùng ngày, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an địa phương kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang y tế của ông Bùi Văn Đại, ngụ phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trên 30.000 chiếc khẩu trang nhái mẫu mã của khẩu trang y tế 4 lớp nhưng không có lớp kháng khuẩn. Ông Đại – chủ cơ sở này – không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ số nguyên liệu đầu vào để sản xuất khẩu trang.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Đại khai nhận nguyên liệu đầu vào được nhập từ một người đàn ông ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Trước đó, cơ sở của ông Đại là lò mổ heo.
Phân tích nội dung sự việc và thông tin mà cơ quan báo chí đã cũng cấp, Luật gia Nguyễn Gia Hải (Hội luật gia Việt Nam) cho rằng: Giữa sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thì hành vi gia công, sản xuất khẩu trang giả là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này còn đáng báo động hơn cả việc ôm, gom khẩu trang, nước sát khuẩn trong thời gian vừa qua. Vì vậy mà việc khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ cơ sở nầ là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì chìa khóa để cơ quan chức năng quyết định xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự chủ cơ sở sản xuất khẩu trang giả này chính là giá trị của 30.000 chiếc khẩu trang giả so với giá trị tương đương của hàng thật.
Theo quy định của pháp luật thì, hàng giả có thể là “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác” (quy định tại điểm đ, khoản 8, điều 3 của nghị định 185/2013 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng)
Nếu bị xử phạt hành chính thì chủ cơ sở sản xuất này sẽ bị phạt tiền lên đến 120 triệu (phụ thuộc vào giá trị của 30.000 chiếc khẩu trang giả (được tính theo giá tương đương của khẩu trang y tế 4 lớp) theo quy định tại khoản 2 của điều 12, nghị định 185/2013 của chính phủ:
“Điều 12. Hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng
- Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:
- a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- c) Là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.”
Mức xử phạt được quy định tại khoản 1 của điều luật này như sau:
“1. Đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
- a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;
- b) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
- c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Ngoài ra, chủ cơ sở sản xuất khẩu trang giả này còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 và khoản 4 bao gồm:
“3. Hình thức xử phạt bổ sung:
- a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
- b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
- c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
- d) Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
- b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
- c) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này”.
Mặt khác, vì hành vi sản xuất khẩu trang giả không thuộc các trường hợp được quy định tại điều 193, 194 và 195 của Bộ luật hình sự 2015 nên chủ của cơ sở này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất hàng giả theo điều 192 của bộ luật nêu trên với hình phạt lên đến 15 năm tù giam tùy thuộc vào kết quả định giá 30.000 chiếc khẩu trang giả theo luật định đồng thời còn bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo khoản 4 của điều 192, bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quan điểm cá nhân của ông Hải, hành vi của cơ sở sản xuất khẩu trang giả này không chỉ nguy hiểm vì nó phạm pháp, mà nguy hiểm hơn là chỉ thời gian ngắn trước đó, đây là một lò giết mổ heo.
Bởi giữa đại dịch Covid-19, một chủng virus đang bùng phát trên toàn cầu có nguồn gốc từ động vật thì một cơ sở giết mổ động vật lại sản xuất tại đó thiết bị phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh đó!
Việc tập trung điều tra, xác minh và làm rõ sự việc là hết sức cấp thiết để cơ quan chức năng sớm có cơ sở xác định tội danh, từ đó nghiêm trị mang tính răn đe, cảnh báo giữa cơn khủng hoảng của đại dịch./.