Trong khi cả thế giới đang hỗn loạn vì Covid-19 thì Nga đã cho công bố vaccine Covid-19 thứ hai cho phép điều trị căn bệnh là nỗi khiếp sợ của cả thế giới.
Theo thông tin của báo Đất Việt: Vaccine thứ 2 của Nga được công bố là vaccine của viện Vector trong bối cảnh thế giới liên tiếp ghi nhận tình trạng lây lan mạnh.
Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên bang Nga (Rospatent) đã cấp bằng sáng chế vaccine COVID-19 cho Trung tâm nghiên cứu Vector. Đây là vaccine thứ 2 được công bố tại Nga trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trung tâm Vector đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine chống lại virus corona.
Người phát ngôn của Rospatent cho biết: “Trung tâm Nghiên cứu Virus và Công nghệ Sinh học Vector đã nhận được bằng sáng chế cho vaccine chống lại COVID-19”.
Vaccine này chứa các kháng nguyên peptit tổng hợp hoặc các đoạn virus corona. Vaccine dựa trên các kháng nguyên này tạo ra phản ứng miễn dịch và góp phần phát triển khả năng miễn dịch chống lại bệnh do virus này gây ra là COVID-19.
Cơ quan giám sát sở hữu trí tuệ giải thích: “Tổng cộng, chúng tôi đã cấp ba bằng sáng chế cho các phát minh, mỗi bằng sáng chế đều chứa một đoạn virus đã được sửa đổi nhất định.”
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu cơ quan giám sát sức khỏe cộng đồng quốc gia cho biết, Trung tâm nghiên cứu Vector của Nga đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine chống lại COVID-19.
Tuần trước, cơ quan giám sát cho biết vaccine có tên EpiVacCorona sẽ được đăng ký vào ngày 15/10.
Tin tức tốt lành này tiếp nối những tín hiệu tích cực tại Nga. Hôm 30/9, Thủ đô Moscow đã bắt đầu giai đoạn 2 tiêm phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu vaccine Sputnik V của Nga.
Phó Thị trưởng Moscow phụ trách vấn đề phát triển xã hội, bà Anastasia Rakova cho biết những người tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine đã bắt đầu được tiêm mũi thứ hai vaccine Sputnik V. 6 người đã được tiêm mũi vaccine thứ hai và dự kiến khoảng 20 người sẽ được tiêm mũi vaccine này trong ngày 30/9.
Sputnik V là vaccine cần tiêm mũi thứ hai để tăng cường khả năng miễn dịch có được từ mũi tiêm đầu tiên. Bà Rakova lưu ý theo kết quả mũi tiêm đầu tiên được tiêm cho hơn 5.700 người, cho thấy đa số những người này đều cảm thấy khỏe mạnh. Khoảng thời gian tiêm mũi vaccine Sputnik V thứ nhất và thứ 2 cách nhau 21 ngày.
Các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 do Nga sản xuất bắt đầu ở Thủ đô Moscow ngày 7/9 và những người tham gia đầu tiên đã được tiêm ngày 9/9. Hiện việc tiêm chủng ngừa virus SARS-CoV-2 có thể tiến hành ở 19 cơ sở y tế Moscow. Hồi tháng 8, Bộ Y tế Nga đã đăng ký vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, do Trung tâm Gamaleya phối hợp sản xuất với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF).
Những tin tức triển vọng về vaccine mang lại động lực trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 30/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 33.920.824 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.013.951 ca tử vong.
Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 7,4 triệu ca mắc và 210.867 ca tử vong. Trong đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại New York cao đáng lo ngại, mức trên 3% lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, buộc nhà chức trách phải siết chặt các hạn chế.
Tại khu vực châu Âu, Chính phủ Romania ngày 30/9 thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.158 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca nhiễm lên 127.572 ca, trong đó 4.825 ca tử vong, tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực Đông Âu. Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Romania đã gia hạn tình trạng cảnh báo đến giữa tháng 10 tới.
Chính phủ Phần Lan đã quyết định rút ngắn giờ mở cửa của các nhà hàng và quán bar để đối phó với tình hình số ca nhiễm mới đang ngày càng gia tăng. Theo quy định mới, từ ngày 8/10, tất cả các nhà hàng và quán bar trên khắp Phần Lan phải đóng cửa lúc 1 giờ sáng và ngừng bán rượu sau 12 giờ đêm. Tại những khu vực mà tình trạng lây nhiễm đã đạt đến “giai đoạn tăng tốc”, các nhà hàng và quán bar sẽ phải đóng cửa sớm hơn – vào lúc 11 giờ tối và kết thúc bán rượu lúc 10 giờ tối. Ngoài ra, các nhà hàng cũng chỉ được phép phục vụ 50% số khách so với mức thông thường. Hiện Phần Lan đã ghi nhận 9.892 trường hợp mắc COVID-19.
Chính phủ Séc cho biết sẽ hạn chế số người tham gia các sự kiện tập trung đông người trong không gian kín tối đa là 10 người và 20 người ở nơi công cộng, trong vòng 2 tuần bắt đầu từ ngày 5/10 tới. Các sự kiện thể thao vẫn được tổ chức nhưng không có khán giả.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 30/9 đã cam kết sẽ hỗ trợ 100 triệu USD cho các quốc gia đang phát triển nhằm giúp những nước này tiếp cận với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Nhà lãnh đạo Đức đưa ra tuyên bố trên sau khi Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đang xem xét gói trợ giúp 12 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo mua và phân phát vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19.
Giải bóng đá hàng đầu nước Ý (Serie A) đối diện nguy cơ phải tạm hoãn 2 tuần vì dịch bệnh COVID-19 hoành hành trở lại sau khi phát hiện có tới 14 thành viên của đội bóng Genoa dương tính với COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn toàn bộ hoạt động bóng đá ở châu Âu kể từ đầu năm 2020, từ các giải quốc gia đến Champions League, Europa League và đến thời điểm này, bóng đá cựu lục địa vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn như trước. FIFA ước tính chi phí doanh thu bị mất do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đối với bóng đá trên khắp thế giới là khoảng 14 tỉ USD.