
Theo thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết ngày 27/1/202 thì khu vực này đang được san gạt để xây dựng dự án biệt thự nghỉ dưỡng thượng lưu đạt chuẩn 5 sao, mang tên SAKANA Hòa Bình. Diện tích dự án lên tới 12,1 hecta.
Nằm liền kề đó, còn xuất hiện nhiều dự án biệt thự nhà vườn, kết hợp sinh thái trồng rừng, với tổng diện tích trên 40 hecta. Có thể kể tên, như biệt thự nghỉ dưỡng phong cách Nhật Bản Kai Village and Resort (chủ đầu tư là Công ty Zen Việt Nam), diện tích trên 10 hecta, với 112 biệt thự. Hay như khu nghỉ dưỡng Onsen Villas & Resort Hòa Bình, của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật, được quảng bá mật độ xây dựng 20%…

Những dự án này đều cùng có một điểm chung, phần lớn diện tích là đất đồi, đất rừng sản xuất và ôm sát lấy hồ Dụ. Các dự án kể trên đều đã mở cửa đón khách, với những ngôi biệt thự sang trọng được xây dựng theo thế nằm thoai thoải, chạy dọc qua những quả đồi.
Theo lời nhân viên bán hàng, số lượng biệt thự xây dựng tại SAKANA có hạn, gồm 248 căn. Các biệt thự được lấy ý tưởng thiết kế từ chiếc nơm cá, tổ chim và hình nón, vốn là đặc trưng của làng quê Việt Nam. Mỗi căn biệt thự diện tích xây dựng từ 150m2 – 230m2, có giá không hề rẻ, từ 5 – 6,5 tỉ đồng. Nếu khó khăn về tài chính, khách mua có xuống tiền và đóng thành 9 đợt.
Tuy nhiên, khi bàn về phần hợp đồng mua bán, thì 3 nhân viên bán dự án SAKANA Hòa Bình lại đưa cho chúng tôi những bản “Hợp đồng vay vốn”, “Biên bản thỏa thuận”… Theo đó, khách hàng (chúng tôi) là bên cho vay, bên vay (chủ đầu tư) Công ty Cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, đại diện là ông Nguyễn Thành Trung, chức vụ giám đốc.

Theo tìm hiểu thì đây là chiêu “lách luật” của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, rao bán dự án khi chưa hoàn thành xây dựng hạ tầng, chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng thửa đất.
Nói về dự án SAKANA Hòa Bình đang quảng cáo, rao bán rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội, ông Nguyễn Xuân Phục – Chủ tịch UBND xã Mông Hóa, cho hay: hiện dự án này mới đang trong quá trình, trình các cấp phê duyệt, giấy phép xây dựng cũng chưa có. Chưa hết, đất dự án được một nhóm người đứng ra gom đất từ nhiều hộ dân xã Mông Hóa. Trong đó chiếm phần lớn là đất đồi, đất rừng, phần ít là đất vườn, đất thổ cư.
Về tình trạng rủi ro khi người dân bỏ ra hơn 5 tỉ đồng để mua căn biệt thự xây dựng trên đất đồi, đất rừng, ông Phúc cho biết, mới đây, chính quyền cấp xã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 hộ gia đình, ông Kiên, bà Hạnh, bà Thanh do thi công trái phép. Mức tiền xử phạt là 3,5 triệu đồng/hộ. Theo ông Phúc, để tránh rủi ro, cơ quan chức năng cần phải dừng thi công dự án cho tới khi nào được cấp phép giấy xây dựng.
TH