Review BCTC Quý 4/2021: Cổ phiếu SZC – Động lực tăng trưởng mạnh mẽ năm 2022. Đây là nhận định của chuyên gia, chủ diễn đàn Đầu tư theo mặt trăng. Nhà đầu tư có thể tham khảo.
(Mọi người đọc kỹ nhé)
MỘT SỐ ĐIỂM CHÍNH TRONG BCTC QUÝ 4/21 VÀ NĂM 2021 CỦA SZC
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (P&L)
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của SZC trong Q4/21 được tóm tắt như sau:
• Doanh thu tăng 109% (148 tỷ so với 71 tỷ cùng kỳ);
• Lợi nhuận gộp tăng 234% (95 tỷ so với 28 tỷ cùng kỳ);
• Chi phí QLDN tăng 46% (15 tỷ so với 10 tỷ cùng kỳ);
• Lợi nhuận sau thuế tăng 187% (68 tỷ so với 24 tỷ cùng kỳ);
Trong Q4/21, mặc dù doanh thu tăng 109% nhưng Lnst tăng mạnh 187% là do sự cải thiện mạnh biên Ln gộp. Biên Ln gộp trong Q4/21 là 64% trong khi cùng kỳ là 40%. Tính cho cả năm 2021, biên Ln gộp là 63% so với 54% của năm 2020. Sự cải thiện biên Ln gộp có ảnh hưởng rất tích cực tới Lnst của SZC trong Quý 4 và cả năm 2021.
Như vậy, cả năm 2021, doanh thu đạt 713 tỷ, tăng 65% so với năm 2020 (433 tỷ). Chi phí hoạt động đều tăng mạnh, cụ thể chi phí bán hàng gấp 3 lần lên 11 tỷ và chi phí QLDN tăng 73% lên 54 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 324 tỷ, tăng 74% so với năm 2020. EPS năm 2021 đạt 3,009 tăng 79% so với năm 2020 (eps = 1,681).
Năm 2021, SZC đặt mục tiêu đạt trên 584 tỷ đồng doanh thu và trên 176 tỷ đồng LNST. Với kết quả ghi nhận, SZC đã vượt 22% kế hoạch doanh thu và trên 83% chỉ tiêu lợi nhuận.
Một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh Q4/2021 và cả năm 2021 như sau:
– SZC chưa từng đạt doanh thu vượt 500 tỷ đồng kể từ khi thành lập. Lợi nhuận từ năm 2018 đổ về trước thường dưới 100 tỷ đồng mỗi năm. Đến 2019, lãi đạt hơn 134 tỷ và năm 2020 thu về 186 tỷ đồng. Như vậy, kết quả đạt được năm 2021 là mức cao nhất trong suốt lịch sử hoạt động của SZC.
– Doanh thu chủ yếu từ cho thuê đất KCN. Cho thuê đất KCN vẫn sẽ là mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu của SZC với quỹ đất đang khai thác có khả năng cho thuê lớn (hơn 600 ha).
– SZC vẫn chưa thể ghi nhận doanh thu phí đường bộ (BOT 768) trong năm 2021, trong khi năm 2020, SZC ghi nhận 66 tỷ tiền thu phí đường bộ. Đây là mảng kinh doanh không có đóng góp được gì cho SZC trong năm 2021. Nguyên nhân do các dự án BOT của SZC chưa lắp hệ thống thu phí không dừng nên không đủ tiêu chuẩn hoạt động. SZC sẽ coi như mất 66 tỷ đồng doanh thu trong năm 2021. Đây là khoản giảm khá đáng kể và có ảnh hưởng khá lớn tới lnst (do biên ln cao) tuy nhiên với sự tăng trưởng từ mảng cho thuê đất KCN và sắp tới là BĐS thì mảng BOT sẽ được bù đắp lại. SZC được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện việc lắp hệ thống thu phí không dừng trong năm tới và mảng kinh doanh BOT này sẽ tiếp tục đóng góp vào kết quả kinh doanh chung của công ty.
– SZC chưa nghi nhận doanh thu cho KDC Hữu Phước (Tổng diện tích 40,5 ha trong đó GĐ1 là 25.2 ha – đang thực hiện; và GĐ2 là 15,3 ha – thực hiện trong năm 2021~2023. Đây là động lực tăng trưởng của SZC từ năm 2022 khi mà SZC bắt đầu hạch toán doanh thu, lợi nhuận cho KDC Hữu Phước.
– Dự án sân golf (152 ha) với tổng mức đầu tư khoảng 1,850 tỷ đã được triển khai khoảng 431 tỷ đồng nhưng sẽ chưa thể đóng góp vào doanh thu cho SZC trong tương lai gần.
Tài sản và công nợ – Bảng cân đối kế toán
• Tại ngày 31/12/2021, Tổng tài sản của SZC tăng 27% (5,616 tỷ so với 4,417 tỷ đầu kỳ). Trong đó, đáng chú ý:
– Tiền tăng 53% (259 tỷ so với 169 tỷ đầu kỳ);
– Chi phí XDCB dở dang tăng 29% (4,855 tỷ so với 3,768 tỷ đầu kỳ) >> Đây là khoản mục chiếm tới hơn 86% tổng tài sản của SZC. Trong đó, chủ yếu là chi phí phát sinh triển khai dự án KCN, KDC Châu Đức là 4,412 tỷ; dự án Golf Châu Đức là gần 431 tỷ. Đây chính là khoản mục quan trọng nhất và sẽ tạo ra doanh thu cho SZC. Có thể thấy trong kỳ SZC vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai đầu tư vào KCN và KDC Châu Đức. Điều này sẽ giúp SZC có được một quỹ đất cho thuê ngày càng lớn. Đặc biệt là KDC Hữu Phước (thuộc dự án trên) sẽ bắt đầu được hạch toán doanh thu từ năm 2022.
• Tại ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả tăng 32% (4,150 tỷ so với 3,154 tỷ đầu kỳ). Trong đó, đáng chú ý:
– Vay nợ tăng 33% (2,199 tỷ so với 1,655 tỷ đầu kỳ) >> chủ yếu là để tài trợ vốn cho dự án KCN, KĐT Châu Đức (bên trên);
– Người mua trả tiền trước/doanh thu chưa thực hiện giảm 10% (718 tỷ so với 798 tỷ đầu năm);
– Phải trả ngắn hạn khác (ngắn và dài hạn) tăng 655% (302 tỷ so với 40 tỷ đầu năm) >> Trong đó đặc biệt là khoản “Nhận góp vốn KDC Hữu Phước” 220 tỷ. (Suy đoán) Khả năng đây là khoản “người mua trả tiền trước” cho KDC Hữu Phước nhưng được hạch toán là nhận góp vốn đầu tư dự án.
– Hệ số thanh toán nhanh (TS ngắn hạn/Nợ ngắn hạn) là 0.3 (kỳ trước 0.2) >> không tốt. Bóc tách các khoản nợ ngắn hạn thì ta thấy có 488 tỷ người mua trả tiền trước (không phải nghĩa vụ thanh toán, mà là doanh thu chưa thực hiện). Tuy nhiên, hệ số thanh toán nhanh của công ty vẫn chưa tốt sẽ tạo áp lực cho công ty trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Hệ số Nợ/Vốn CSH là 2.8 lần (so với 2.5 lần kỳ trước) >> khá cao
– Hệ số Vay/Vốn CSH là 1.5 (so với 1.3 lần kỳ trước) >> khá cao
Có thể thấy rõ từ các chỉ số nợ, chỉ số thanh toán là Công ty đang chịu áp lực nợ vay lớn do cần vốn triển khai KCN và KDC Châu Đức. Trong năm 2021, công ty phải đẩy mạnh vay ngân hàng và phát hành trái phiếu (~500 tỷ) để có đủ vốn tài trợ cho dự án này. Tuy nhiên, với kỳ vọng, nhu cầu thuê đất KCN ngày càng lớn và KDC Hữu Phước bắt đầu được mở bán, Công ty sẽ thu được dòng tiền lớn giúp làm giảm bớt áp lực nợ vay và duy trì được đủ vốn để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư đang triển khai.
Lưu chuyển tiền tệ – Dòng tiền
Trong năm 2021:
• Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương 704 tỷ (cùng kỳ: dương 611 tỷ) >> Từ kết quả hđkd tốt trong kỳ.
• Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 1,068 tỷ (cùng kỳ: âm 1,416 tỷ) >> Chủ yếu là do đầu tư vào KCN và KDC Châu Đức.
• Dòng tiền từ hoạt động tài chính dương 474 tỷ (cùng kỳ: dương 602 tỷ) >> Chủ yếu do tăng đi vay ngân hàng và phát hành trái phiếu.
• Dòng tiền thuần trong năm dương 110 tỷ (cùng kỳ: âm 202 tỷ)
Có thể thấy rõ trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty, dòng tiền của công ty được cải thiện trong Q4/21 và cả năm 2021. Năm 2021, ghi nhận dòng tiền thuần dương (trong khi các năm trước âm). Điều này do: 1) Kqkd của công ty rất tốt trong 2021; 2) Việc đầu tư vào KCN và KDC Châu Đức đã giảm bớt hơn so với năm trước.
Nhìn chung, do Công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mạnh vào KCN, KDC Châu Đức nên dòng tiền đầu tư của Công ty bị âm. Việc đầu tư này được tài trợ một phần từ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và một phần từ hoạt động đi vay. Hiện tại, áp lực nợ vay đối với Công ty là lớn. Tuy nhiên, dòng tiền trong tương lại từ hoạt động kinh doanh (cho thuê KCN và mở bán KDC Hữu Phước) sẽ giúp cải thiện dòng tiền trong tương lai.
Nhận xét chung:
• Kết quả HĐKD trong Q4/21 và cả năm 2021 của SZC là rất tốt với tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu gần như chỉ đến từ hoạt động cho thuê đất KCN. Doanh thu thu phí đường bộ BOT tạm dừng ghi nhận trong năm 2021.
• Doanh thu KDC Hữu Phước chưa được ghi nhận, nhưng cũng bắt đầu mở bán. Đây là động lực lớn tăng trưởng của SZC trong năm 2022 và các năm tiếp theo. ( để ý phần nhận góp vốn vào KDC Hữu Phước đã tăng lên 220 tỷ vào cuối năm 2021)
• Dòng tiền của SZC vẫn đang bị ảnh hưởng bởi nợ vay lớn để tài trợ cho việc đầu tư vào dự án KCN, KDC Châu Đức mặc dù có sự cải thiện hơn nhờ kqkd tốt. Công ty đang chịu áp lực nợ lớn do cần vốn để thực hiện các dự án đầu tư tuy nhiên, áp lực sẽ giảm khi Công ty có thể đẩy mạnh cho thuê đất KCN và mở bán KDC Hữu Phước GĐ1 trong năm 2022.
Chân thành!
Nguồn: An Le Nhu
VsetGroup có thể bị điều tra vì bán chui hàng trăm tỷ chứng khoán