Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, đơn vị này đã lập tức dừng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Đông A đồng thời rà soát tất cả nhà cung cấp khác.
Liên quan thông tin Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Đông A đưa sản phẩm xuất xứ Trung Quốc và hệ thống phân phối của Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (Bách Hóa Xanh). Chiều 21/9, Bách Hóa Xanh đã ra thông báo phản hồi gửi báo chí và khách hàng.
Văn bản nêu rõ: “Trước hết, chúng tôi gửi lời xin lỗi tới các khách hàng của Bách Hóa Xanh. Tôn chỉ của chúng tôi là tuân thủ đầy đủ quy định về xuất xứ hàng hóa và đảm bảo sự minh bạch nguồn gốc hàng hóa với khách hàng. Qua sự việc này, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm và sự cần thiết trong việc phải làm tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm soát tốt nguồn gốc và chất lượng hàng hóa.
Bách Hóa Xanh đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp (NCC) Đông A. Đồng thời chúng tôi yêu cầu Đông A phải giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và quy trình cung ứng. Hiện mặt hàng chúng tôi nhập từ Đông A là mặt hàng nấm, không bao gồm các sản phẩm khác. Theo dữ liệu NCC, chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng với Đông A từ ngày 08/06/2022 với tỉ lệ 3% trên tổng sản lượng mặt hàng nấm của chuỗi.
Thông qua sự việc này, Bách Hóa Xanh sẽ rà soát toàn bộ các nhà cung cấp khác để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa đầu vào.
Đối với bất kì nhà cung cấp nào, tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Bách Hóa Xanh yêu cầu là chất lượng, vệ sinh, an toàn hàng hóa. Hàng nhập khẩu phải tuân theo các quy định của Nhà nước Việt Nam, đảm bảo đúng nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với Cơ quan kiểm duyệt, không được giao hàng giả, hàng lậu, thay đổi nguồn gốc sản phẩm. Bách Hóa Xanh duy trì chủ trương và chính sách không khoan nhượng đối với bất kì hành vi vi phạm nào của NCC”.
Nhiều ý kiến của người dân xoay quanh chủ đề này, trong đó cho rằng, BHX cũng như nhiều siêu thị khác có thể trở thành “nạn nhân” của hành vi gian lận (nếu có).
Lý do là bởi, BHX, WinMart… hay nhiều hệ thống khác quản lý dựa trên hệ thống văn bản như chứng nhận về chất lượng hàng hóa của nhà cung cấp, cam kết đảm bảo chất lượng của nhà cung cấp cũng như các văn bản khác của cơ quan chức năng.
Với hệ thống siêu thị rộng lớn như BHX, nếu xuất hiện một nhà cung cấp gian lận thì khâu hậu kiểm thực sự khó khăn.
Có ý kiến cũng cho rằng, không chỉ BHX mà các siêu thị lớn khác cũng cần xây dựng quy định mang tính hậu kiểm về nguồn gốc hàng hóa của nhà cung cấp. Qua đó, chủ động phát hiện những nhà cung cấp có dấu hiệu bất thường, nhằm ngăn chặn từ xa, từ sớm những hành vi gian lận.
Ông Đặng Thanh Phong – phụ trách truyền thông của Bách Hóa Xanh cho biết: Bách Hóa Xanh mới hợp tác với nhà cung cấp Đông A được 3 tháng thì xảy ra sự việc nêu trên. Việc hợp tác dựa trên các văn bản, chứng nhận và cam kết của đối tác cung cấp. Khi xảy ra sự việc nhà cung cấp cố tình vi phạm cam kết nếu được phát hiện thì Bách Hóa Xanh sẽ lập tức dừng hợp tác.
Thông tin hàng Trung Quốc đội lốt VietGAP lọt vào chuỗi siêu thị BHX được xuất hiện vào sáng ngày 21/9 trên một số trang điện tử.